Custom Search
(Dân trí) - Một trong nhưng công trình khoa học lớn của thế kỷ 21 đã bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình nhằm quan sát “Bình minh Vũ trụ”.
Dàn kính thiên văn Alma nằm ở sa mạc của Chile.
 
Kính thiên văn Alma đặt tại Chile là kính thiên văn lớn nhất, phức tạp nhất từng được xây dựng. Nhiệm vụ của Alma là nghiên cứu các tiến trình xảy ra vài trăm triệu năm sau khi hình thành vũ trụ, thời điểm những ngôi sao đầu tiên bắt đầu sáng. Từ đó, chúng ta có thể hiểu được vì sao vũ trụ lại được hình thành như ngày nay.

Một trong những nhà thiên văn phụ trách hoạt động khoa học của kính Alma, tiến sỹ Diego Garcia, cho hay Alma đã tạo ra một “kỷ nguyên vàng mới cho thiên văn học”.

“Chúng ta sẽ thấy được thời kỳ đầu của vũ trụ, những dải ngân hà đầu tiên được hình thành như thế nào. Chúng ta sẽ biết được rất nhiều điều về việc hình thành vũ trụ”, ông cho hay.

Kính thiên văn Alma được tạo nên từ một loạt ăng ten khổng lồ. Những ăng ten này được kết nối với nhau trên đỉnh cao nguyên cao nhất trong sa mạc Atacama, sa mạc nằm gần với Bolivia.

Alma được xây dựng từ năm 2003. Với một loạt ăng ten mới, Alma có thể nhìn sâu hơn vào vũ trụ và quan sát rõ quá trình hình thành sao một cách chi tiết chưa từng có.

Khi ăng ten thứ 20 hoạt động được hết công suất cũng là lúc Alma ghi lại được những sự kiện chưa từng thấy trước đây.

Đài quan sát miền nam châu Âu, một trong những cơ quan điều hành Alma, đã công bố những bức ảnh đầu tiên do Alma chụp. Những bức ảnh này cho thấy vụ va chạm giữa hai thiên hà được biết đến là những thiên hà Antennae.
                                                                                                                             
Các chòm sao khổng lồ này có thể được quan sát bằng kính viễn vọng quang học, như kính thiên văn Hubble. Tuy nhiên Alma, nhờ tập hợp ánh sáng không nhìn được bằng mắt thường, có thể “xuyên” qua các đám khí lạnh đặc mà từ đó các ngôi sao mới được hình thành.

Giới nghiên cứu kỳ vọng gì?

Alma quan sát được ánh sáng ở bước sóng milimet và dưới milimet. Ở những bước sóng này, các nhà thiên văn có thể hiểu được khí cuộn xoáy ở thời kỳ sơ khai của vũ trụ, hơn 13 tỷ năm trước, để hình thành những ngôi sao đầu tiên “thắp sáng” vũ trụ.

Các nhà vũ trụ học đã có nhiều giả thuyết về những gì đã xảy ra trong thời kỳ này. Và giờ đây các nhà thiên văn học có thể tận mắt xem những giả thuyết này là đúng hay sai.

Alma cũng có thể giúp các nhà khoa học thấy được sự hình thành của các hành tinh quanh những ngôi sao xa. Một trong những dựa án đầu tiên là nghiên cứu ngôi sao rất trẻ có tên gọi AU Microscopii, có “tuổi” chỉ bằng 1% tuổi của mặt trời của chúng ta.

Các nhà thiên văn cũng đang nghiên cứu hoạt động quanh một ngôi sao trẻ khác, cách chúng ta 400 năm ánh sáng, do ngôi sao này có thể đang hình thành hàng chục hành tinh có kích cỡ giống sao Mộc.

Một dự án hứa hẹn khác là nhằm nghiên cứu lỗ đen siêu lớn ở trung tâm dải ngân hà của chúng ta, có tên gọi Sagittarius. Một hạt bụi cũng có thể khiến kính viễn vọng quang học không thể quan sát được, nhưng khi dùng Alma, các nhà thiên văn sẽ có thể nhìn thấy lỗ đen bí ẩn này, một cách rõ nét, chưa từng có trước đây.

Ngoài ra, một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật dự kiến sử dụng Alma để nghiên cứu dải ngân hàng sáng lấp lánh có tên gọi Himiko, đang tạo ra vật chất tương đương với 100 mặt trời mỗi năm, trong khi xung quanh nó hầu như không có gì xảy ra. Các nhà khoa học hi vọng Alma có thể thấy được các tiến trình xảy ra sâu bên trong tinh văn của nó.

Ngoài tham vọng khoa học, dự án Alma còn là một thành tựu khoa học tuyệt vời. Có nhà thiên văn học mô tả Alma là “Các kim tự tháp của thế kỷ 21”.

Mỗi ăng ten được kết nối cẩn thận với nhau và các bộ phận được đưa tới từ  hàng loạt công ty công nghệ cao khắp toàn cầu. Sau đó chúng lại được vận chuyển cẩn thận lên cao nguyên, lên các vị trí cao bằng xe vận tải lớn 28  bánh. 
 
Phan Anh
Theo BBC