Custom Search
Nhiều người khi răng đau buốt, khó khăn trong việc ăn uống, thường nghĩ mình bị sâu răng, viêm tuỷ… mà không biết những biểu hiện đó có thể do mòn răng. Họ cũng không biết rằng mòn răng là một bệnh lý, chứ không phải do quá trình ăn uống, sinh hoạt lâu ngày...
 
Răng mòn cũng là bệnh

Nhiều bệnh nhân đến gặp bác sĩ nha khoa chia sẻ, mỗi lần ăn uống, hàm răng họ có cảm giác tê buốt. Cảm giác này xuất hiện khi ăn cả đồ nóng và lạnh. Qua thăm khám, bác sĩ xác định đây là biểu hiện của bệnh mòn răng.

Có thể hiểu một cách đơn giản: mòn răng là hiện tượng mòn tổ chức cứng của thân răng. Mòn răng thường gặp ở hai phần chính của thân răng là mòn mặt nhai và mòn ở cổ răng. Mòn răng quá mức ảnh hưởng đến chức năng cơ học và cả chức năng thẩm mỹ.

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến mòn răng: mòn sinh lý do quá trình nhai, người càng lớn tuổi thì răng càng mòn (thói quen ăn các chất cứng, dai, quá chua làm răng mòn nhanh hơn), và mòn răng bệnh lý. Nguyên nhân sau gồm các bệnh lý ảnh hưởng đến chất lượng men răng như thiểu sản men, các bệnh lý ảnh hưởng đến quá trình khoáng hoá khiến men răng mềm và dễ vỡ hơn bình thường; các bệnh lý gây ra sự ma sát quá mức giữa hai hàm răng (hay gặp nhất là khớp cắn lệch tâm), và các bệnh lý khác của khớp hàm như đau mỏi khớp, kêu khớp. Hàn răng, làm răng giả không đúng cũng dẫn đến sang chấn khớp cắn và mòn, vỡ răng.

Đó là chưa kể những trường hợp răng mòn không rõ nguyên nhân trong một số bệnh lý chuyển hoá ảnh hưởng đến các thành phần khoáng hoá của nước bọt, cấu trúc dòng chảy của nước bọt. Thói quen đánh răng theo chiều ngang cũng được cho là có thể gây mòn răng, nhưng chưa được chứng minh đầy đủ.

Mòn cả chất lượng cuộc sống

Theo thống kê, tại Mỹ có gần 30% trẻ dưới 6 tuổi có hiện tượng mòn răng bệnh lý. Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về bệnh này song số lượng bệnh nhân được phát hiện mòn răng đang tăng lên. Mòn răng là bệnh nên có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng cơ thể, đặc biệt là giảm khả năng nghiền và cắt thức ăn. Răng mòn nhiều có thể làm lộ lớp ngà gây ê buốt, vì vậy chúng ta hay gặp cảm giác ê răng ở người lớn tuổi, ảnh hưởng đến chức năng nhai. Nguy hiểm hơn, răng mòn nhiều có thể gây viêm và chết tuỷ răng. Nói chung, răng mòn thì hiệu suất nhai sẽ giảm khiến hệ thống cơ nhai phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến hiện tượng co thắt cơ nhai, lâu ngày dẫn đến tổn thương khớp hàm.

Chớ coi thường

Các bác sĩ nha khoa sau khi tìm hiểu được cơ chế của mòn răng sẽ chỉ ra cách điều trị tốt nhất cho người bệnh. Điều trị các tai biến do mòn răng thường là điều trị triệu chứng và các bệnh lý gây ra khi mòn răng quá mức, như đắp thuốc giúp tái khoáng hoá men răng, nâng lại toàn bộ khớp cắn của bệnh nhân theo một tương quan mới, chữa tuỷ những răng viêm tuỷ…

Ngoài ra, mỗi người có thể tự điều trị dự phòng bệnh, không nên đợi đến khi mòn răng mới đi khám mà phải khám định kỳ ngay từ lúc 5 - 6 tuổi ở bác sĩ chuyên khoa về khớp cắn, chứ không phải bác sĩ nha thông thường.

Bệnh nhân được xác định mắc bệnh mòn răng cần có chế độ ăn uống hợp lý. Đó là nên ăn các thức ăn mềm, không dùng đồ quá lạnh, quá chua...

Theo TS.BS Phạm Như Hải
Sài Gòn tiếp thị