Custom Search
Mùa tuyển sinh khối phổ thông năm nay tại TPHCM xuất hiện tình trạng một số trường dân lập không tuyển được học trò. Có cơ sở thậm chí phải đóng cửa một số khối lớp dù địa thế nằm ngay trong trung tâm thành phố.
Chuyện kỳ lạ này theo một số hiệu trưởng trường dân lập cho biết không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã có từ vài năm nay nhưng do các trường không muốn hé "chuyện trong nhà". Chất lượng phát triển không đồng đều, nội bộ thiếu sự đồng thuận, tiềm lực kinh tế yếu, cơ sở vật chất chắp vá và cơ bản nhất đó là tiêu chí thành lập ngay từ đầu đã không đi đúng hướng, đặt nặng yếu tố thương mại hóa là nguyên nhân dẫn tới một số cơ sở phải tự "đào thải" mình trong một tương lai gần.
Nơi "nở bung", nơi co hẹp thị phần
Từ những thành công vang dội cả về kinh tế, cả về chất lượng học tập tại một số trường dân lập không thua kém các trường công như: THPT Nguyễn Khuyến, THPT Thanh Bình, THPT tư thục Hồng Đức, Tư thục Trương Vĩnh Ký, THPT Ngô Thời Nhiệm… khiến chỉ trong vòng chưa đầy 15 năm trên địa bàn TPHCM sự ra đời của các trường ngoài công lập đã tăng với tốc độ chóng mặt.
Cho tới năm học này đã có tới 82 trường phổ thông ngoài công lập với đủ cấp độ đang hoạt động. Đặc biệt sau một thời gian phát triển có nhiều trường đã được đặt trong tốp đầu chiếm được lòng tin của phụ huynh không chỉ tuyển với chỉ tiêu là học sinh (HS) phải đạt khá giỏi, mà thậm chí trường còn tổ chức thi tuyển "đầu vào" như Trường THPT Nguyễn Khuyến, tư thục Trương Vĩnh Ký… và ngày càng "ăn nên làm ra" thu hút hàng ngàn HS mỗi năm.
Hiệu phó Trường Nguyễn Khuyến - cô Nguyễn Yến Chi cho biết HS vào lớp 10 của trường phải đạt điểm trung bình tiếng Anh từ 6,5 trở lên, môn toán, lý, hóa, ngữ văn đều phải thi tuyển đầu vào ngay từ dịp hè. Vào học mỗi tháng đều có kiểm tra xếp lớp… Thi vào đã khó nhưng vào học rồi HS cũng phải nỗ lực rất nhiều.
Buổi học tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (cơ sở 136 Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM).
Thậm chí khi tìm chỗ học cho con tại đây nhiều phụ huynh (PH) đã được "cảnh báo" trước, con mình sẽ phải tuân thủ một chế độ sinh hoạt nghiêm khắc như quân đội, sẽ được luyện theo kiểu "vắt chày ra nước" với lịch học dày đặc. Song cũng từ những con số có thực tại trường vào mỗi cuối năm học như tỉ lệ tốt nghiệp 100%, tỉ lệ đậu đại học (ĐH) năm 5 năm nay đều rất cao, hơn cả nhiều trường công.
Như năm 2010, trường chỉ đứng thứ 3 sau Trường THPT Lê Hồng Phong, thực hành Năng khiếu tại TPHCM về số HS đậu ĐH. Điểm đậu ĐH của các HS trong trường bình quân là 18,43... Không gì bằng "mắt thấy tai nghe", PH vẫn sẵn sàng chấp nhận cho con vào học dù cũng xót xa khi biết học ở trường con sẽ bị ép, bị thúc học, và quản lý chặt chẽ. Con số HS xin vào học năm nay của Nguyễn Khuyến vẫn đạt 1.800 HS. Cao hơn 200 HS so với năm ngoái với qui mô 4 cơ sở khác nhau.
Một trường dân lập khác hiệu quả cũng không thua kém như THPT Ngô Thời Nhiệm. Năm nay vẫn tuyển được 1.000 HS. Trong đó 50% là HS tỉnh lên nội trú. Ra đời từ 1997 khi đợt tuyển sinh đầu tiên trường chỉ có 200 HS tiểu học, nhiều năm nay luôn duy trì được khoảng 2.000 HS ở tất cả các khối cấp với 64 lớp tại 2 cơ sở (1 ở quận 3 và 1 ở quận 9). Tỉ lệ tốt nghiệp tại trường cũng đạt 99,3% trong năm 2009 và 99,6% trong năm 2010.
Theo thống kê hàng năm của sở GD-ĐT TPHCM, có tới 70% HS tại các trường dân lập tư thục ở thành phố là con em từ dưới tỉnh đưa lên. Sự thành công nhất trong khối dân lập TPHCM phải kể tới vào năm 2008-2009 với số HS ngoài công lập khối tiểu học với 19.818 HS (chiếm 4% tổng số HS của toàn thành phố); khối THCS với 32.348 HS (chiếm 9%) và khối THPT với 64.130 HS (chiếm 35%). Tuy nhiên theo thời gian, thành quả thực sự từ chất lượng, uy tín mà có trường còn "giữ được lửa", thu hút HS và PH tới, có trường lại "mất duyên" dần.
Năm học 2010 - 2011 Trường THPT Dân lập Đăng Khoa chỉ tuyển được 6 - 8 HS lớp khối 6, lớp 7. Trường ráng "gồng" để hoạt động, tuy nhiên năm học này buộc lòng phải đóng cửa 2 khối học này vì không tuyển được HS. Tổ tuyển sinh khối THCS của trường theo đó đành "ngậm ngùi" chấp nhận việc xóa sổ. Đầu vào khó khăn nên sĩ số của THPT Dân lập Đăng khoa chỉ từ 25 - 30 HS/lớp. Trong năm 2010 có trên 1.000 HS theo học từ các tỉnh thành phía Nam. Năm 2011 chỉ còn 750 HS ở tất cả các khối.
Cũng trong tình cảnh  khó khăn về tuyển sinh, Trường THPT Phương Nam (khu phố 6, phường Trường Thọ, Thủ Đức) đã có bề dày hoạt động 16 năm, thế nhưng số HS đến với trường ngày càng hao hụt. Năm nay chỉ tuyển được vỏn vẹn 16 HS khối lớp 10. Tình trạng tuyển sinh èo uột này diễn ra vài năm nay khiến hiện quy mô của trường chỉ có 2 lớp 12, 1 lớp 1 và vài lớp 6…
Cạnh tranh khốc liệt trong tương lai
Điểm mạnh của các trường dân lập chất lượng là có cơ sở vật chất (CSVC) tốt, có đội ngũ giáo viên cơ hữu và ổn định, được đào tạo bài bản. Với nhiều PH HS, học trường dân lập còn đồng nghĩa với việc được "luyện thi ĐH" ngay từ năm lớp 10, nên cũng là điểm gửi gắm của khá nhiều PH có con em không đạt nguyện vọng vào trường công sau các kỳ thi chuyển cấp, hay của PH ở tỉnh gửi con lên học.
70% HS trong các trường dân lập là từ tỉnh cùng với những thành công có thực tại một số cơ sở đi tiên phong mà nhiều người cho rằng đầu tư vào xây trường dân lập sẽ nhanh chóng thu được lợi nhuận từ việc thu hút được lượng HS lớn từ tỉnh về.
Tuy nhiên đa số các cơ sở "sinh sau đẻ muộn" trong khối dân lập đều gặp phải khó khăn nan giải là mặt bằng, CSVC đều phải đi thuê mướn. Đội ngũ GV lại thiếu thốn, chắp vá, thiếu sự đào tạo bài bản nên theo khẳng định của một số hiệu trường trường dân lập mà chúng tôi có dịp tiếp xúc thì trong số 82 trường dân lập đang hoạt động tại TP, số trường thực sự hoạt động có hiệu quả chỉ chiếm khoảng 1/10.
Sở GD-ĐT TPHCM cũng thừa nhận, đa số các trường ngoài công lập hiện nay thiếu sân chơi, bãi tập, khu nội trú, thiếu giáo dục ngoại khóa, trang thiết bị thực hành thí nghiệm. Bên cạnh đó học phí khối dân lập không đồng đều. Thực tế trong số các trường đang hoạt động có hiệu quả mức học phí chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng trọn gói (như Trường THPT Nguyễn Khuyến, THPT Ngô Thời Nhiệm…).
Trong khi ấy nhiều trường dân lập qua "công nghệ" quảng cáo như học theo chương trình Quốc tế, chuyên sâu tiếng Anh… mà có mức học phí nâng lên cao vọt như THPT S.V với hơn 10 triệu đồng/tháng, THPT Quốc tế Á Châu, THPT T.V.K với 8,5 triệu đồng/tháng, chỉ phục vụ cho một số đối tượng con nhà giàu. Tạo sự phân biệt "đẳng cấp" giàu nghèo chứ chưa thực sự tạo được "đẳng cấp" về chất lượng giảng dạy.
Thực tế tại rất nhiều trường đã diễn ra cảnh thuê trường, thuê cả thầy do đội ngũ GV không ổn định làm gia tăng nhiều chi phí. Từ đây hội đồng quản trị thiếu sự đồng thuận, mâu thuẫn về định hướng đầu tư, định hướng phát triển. Không đủ yếu tố để phục vụ mục tiêu giáo dục toàn diện cho HS nhất là HS phổ thông. Mất đi sự ổn định tất yếu dẫn tới mất uy tín với PH HS và chất lượng sụt giảm, mất đi hình ảnh đẹp ban đầu trong quảng bá với PH HS…
Những yếu tố này chắc chắn sẽ là nguyên nhân gây sụt giảm, sự cạnh tranh khốc liệt cũng như việc tự triệt tiêu rút lui khỏi môi trường đầu tư này tại một số trường dân lập trong tương lai.
Theo Huyền Nga
CAND