Custom Search
Con tôi đang học lớp 3 tại một trường công lập tại TPHCM. Trong một tờ giấy photocopy phát cho cháu đem về nhà chuẩn bị bài cho ngày hôm sau, tôi đọc thấy một bài tập do cô giáo viết tay có nội dung như sau:
“Tìm sự vật so sánh trong câu văn, thơ sau và gạch hai gạch dưới từ so sánh:
b/Con cò trắng tựa như vôi
Tụi mình còn nhỏ xứng đôi quá chừng.
c/Thân em tựa cánh chuồn chuồn
Khi vui nó đậu khi buồn nó bay”.
Dù không được đào tạo qua trường lớp sư phạm nhưng tôi vẫn nhận ra sự bất ổn trong câu chữ. Không hiểu cô giáo của con tôi lấy đề bài từ một giáo trình có sẵn nào đó hay cô “tự soạn” và tự “sáng tác” ra? Nhưng dù cô lấy nguồn giáo án từ đâu thì tôi cũng không tiện hỏi (nói “không dám” thì đúng hơn) vì không muốn con mình bị “đì” hay trở thành học sinh cá biệt trong mắt cô.
 
Xét về mục đích của bài tập thì tôi đồng ý vì nó thể hiện cấu trúc “so sánh” đúng yêu cầu của bài. Nhưng liệu có ổn không khi đoạn thơ b/ có câu “Tụi mình còn nhỏ xứng đôi quá chừng”? Không lẽ ngành giáo dục cổ súy cho việc yêu đương ở lứa tuổi tiểu học? Đến đoạn thơ c/ còn khó hiểu hơn bởi những câu văn, thơ dùng chữ “thân em” thường ám chỉ người con gái (và dĩ nhiên đang tuổi yêu đương) nhưng một học sinh lớp 3 thì làm sao hiểu như thế, hoặc làm sao hiểu ý nghĩa của sự liên tưởng “Khi vui nó đậu khi buồn nó bay”? Tôi đã tắc tị khi con nhờ tôi giải thích ý nghĩa của hai đoạn thơ ấy!
Có thể cô giáo của con tôi (hay tác giả của giáo trình bao gồm hai đoạn thơ trên) khá dễ dãi khi cho rằng chỉ cần những ví dụ có cấu trúc “so sánh” để các em vận dụng là đủ, còn mặt ngữ nghĩa hay những gì sâu xa hơn thì không cần quan tâm? Đừng quá chủ quan khi cho rằng ở lứa tuổi lớp 3, học sinh còn quá nhỏ để có thể cảm nhận được những điều bất ổn trong những câu chữ có nội dung như thế!
Tôi thiết tha mong những người làm công tác giáo dục hãy vì những mầm non tương lai của đất nước mình mà “chăm bón” cho các em những thứ “dễ tiêu hóa” và phù hợp với lứa tuổi của chúng.
Theo Khánh Hoan
SGTT