Custom Search
(Dân trí) - Thích tìm hiểu nền văn hóa các nước, đã từng “chu du” 12 nước, Lê Hồng Diễm - thủ khoa tốt nghiệp Trường ĐH Hà Nội năm 2011 từng là “đại sứ văn hóa” trong chương trình trao đổi Giao lưu Sinh viên Quốc tế do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ năm 2008.
“Săn” cuộc hành trình 12 nước
Ngay năm thứ 2 đại học, Lê Hồng Diễm là một trong 10 sinh viên Việt Nam đầu tiên nhận học bổng Giao lưu Sinh viên Quốc tế do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ năm 2008 và theo học một năm tại Trường đại học Nazareth, Rochester, Mỹ. Sau chuyến đi trao dổi văn hóa đó, Diễm học được nhiều thứ từ bên nước bạn.
“Trong thời gian một năm, vào dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ, mình tích góp tiền tự lên kế hoạch tổ chức các chuyến đi đến các bang của Mỹ sao cho rẻ và hợp lý nhất. Mình tìm hiểu văn hóa, khám phá đất nước và con người ở các nơi mình đi qua như 4 bang bờ biển Đông, ở New York hay biên giới Canada…Và mình đến dạy học sinh cấp 3 học ở các trại tị nạn người da đen. Mình còn tổ chức các chương trình văn hóa với mục đích quảng bá tinh hoa văn hóa người Việt đến với người Mỹ. Mình cảm thấy tự hào và trưởng thành hơn sau những chuyến đi như thế”, Diễm chia sẻ.
 

Hồng Diễm chụp ảnh lưu niệm tại cầu Charles, Praha, CH Séc trong chuyến đi châu Âu tháng 2/2011.
Nói về quá trình giành học bổng bổ ích này, Diễm nói: “ Mình “săn” học bổng qua mạng, liều gửi hồ sơ đi để thử sức. Mình khá bất ngờ khi được chọn vì thời điểm đó chứng chỉ tiếng Anh vừa hết hạn. Sau khi được nhận vào, mình thi TOEFL đạt 620/650”. Theo tiêu chí để chọn sinh viên du học của chương trình này là: có tố chất lãnh đạo, có nền tảng kiến thức văn hóa Việt Nam, Mỹ và điều cần thiết là khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt.
Cuộc chinh phục văn hóa chưa dừng lại ở đất nước Mỹ, cô bạn đã đặt chân và tìm hiểu văn hóa của 12 nước như Nhật, Trung Quốc, Canada, Lào, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Nauy, Đức, Séc... Cô sinh viên đam mê văn hóa không ngừng tìm kiếm học bổng quốc tế để có cơ hội học hỏi, giao lưu. Năm 2010, Diễm là sinh viên duy nhất được Đại sứ quán Indonesiatại Hà Nội mời tham dự Trại hè quốc tế và Diễn đàn thanh niên lãnh đạo thế giới tại trường đại học Universitas Gadjah Mada (Yogyakarta, Indonesia); giành học bổng DENSO Thanh niên hành động vì môi trường, đào tạo hai tuần tại Nhật Bản; tham dự Diễn đàn sinh viên thế giới tại Nauy. Năm nay, Diễm vinh dự tham gia ASEAN trong thế giới ngày nay tại Bangkok, Thái Lan…
Nhắc đến từng đất nước mà mình đã đặt chân đến, Diễm say mê kể về nền văn hóa đặc trưng của từng nước: Người Nhật coi trọng thời gian, nên đến sớm 5 phút; người Thái cấm kị bị sờ vào đầu hay người Indonesia quy định không được bắt tay với nam giới… Diễm cho rằng phải hiểu và tôn trọng nền văn hóa của họ và không nên áp dụng nền văn hóa, thói quen của người Việt đối với họ.
“Mình rất thân với cô bạn người Nhật, đi đâu mình cũng kéo đi cùng như đối với bạn Việt, nhiều lần cô bạn Nhật phản ứng không thích như vậy vì người Nhật tôn trọng sự riêng tư và tuyệt đối không được xâm phạm vào không gian riêng đó. Từ sau lần đó, mình biết cách cư xử đối với những người bạn của mình hơn”, Hồng Diễm chia sẻ.
Đặt chân đến 12 nước, có thể giao tiếp bằng bốn ngôn ngữ: Anh, Đức, Hàn và Nhật, Diễm có nhiều cơ hội tăng thêm kho tàng văn hóa của riêng mình. Sau mỗi chuyến đi, cô có thêm những người bạn mới, hiểu biết mới về đất nước bạn. Thời gian dạy học tình nguyện ở trại tị nạn cho người da đen, Diễm có cơ hội nhìn nhận một nền văn hóa Mỹ từ khía cạnh khác.
 

Hồng Diễm (đứng thứ 2 từ trái sang) nhận học bổng Đại học Kyushu, Nhật Bản và Mahidol, Thái Lan để tham gia chương trình “ASEAN trong thế giới ngày nay" tại Bang Kok, Thái Lan.
 
Khi được hỏi động lực nào thôi thúc Diễm có thể đặt chân 12 nước khi còn là sinh viên, cô bạn cười khiêm tốn nói: “May mắn sẽ đến khi ta biết mở cửa để nắm lấy cơ hội”. Ngay từ cấp 3, cô nàng đã có ước muốn du học vì đó là cơ hội để học và thực hành tiếng Anh cũng như khám phá những nơi mới lạ. Bố mẹ Diễm cũng luôn ủng hộ cô con gái duy nhất của mình. Bố Diễm từng nói: “Con gái có thể làm tất cả những gì con trai làm được. Điều quan trọng là phải có ước mơ và thực hiện được”. Câu nói ấy luôn theo sát và là động lực của Diễm.
Thành tích học tập đáng nể
Không chỉ đam mê văn hóa, cô nàng còn có bảng thành tích học tập đáng nể. Diễm đạt IELTS 7.5 khi là sinh viên năm thứ nhất; bốn năm liền là sinh viên xuất sắc và nhận được giấy khen, học bổng của Trường ĐH Hà Nội. Năm 2011, đỗ thủ khoa tốt nghiệp Trường ĐH Hà Nội và là một trong 200 thủ khoa tốt nghiệp được tặng bằng khen của Đoàn Thanh niên, được vinh danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Quảng trường Lăng Bác.
Chia sẻ về kinh nghiệm học tiếng Anh “đỉnh”, Diễm khiêm tốn cho biết: “Ở nhà mình ghi chép các từ mới vào quyển sổ to, thực hành trên mọi nguồn tiếp xúc như báo, đài, ti vi. Thời gian đầu, cuối tuần mình đạp xe lên Hồ Gươm để vận dụng và luyện khả năng giao tiếp của mình”.
 

Hồng Diễm vinh dự nhận bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam vì đã đạt danh hiệu Thủ khoa tốt nghiệp các trường Đại học, Học viện của TP Hà Nội năm 2011.

“Còn việc học các môn khác ở trên lớp, mình tập trung nghe giảng, đánh dấu các chi tiết quan trọng trong bài giảng, tìm hiểu thêm để nắm chắc được vấn đề. Thời gian học ở nhà của mình không nhiều, mình không phải là mọt sách, mà mình học từ chính cuộc sống”, Diễm chia sẻ thêm.
Trong thời gian học tập ở Mỹ, Diễm là sinh viên xuất sắc, nhận giấy khen của Trường ĐH Nazareth (Rochester, Mỹ), là á quân chương trình học bổng của Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam AMCHAM, 2010.
Ngoài thời gian học tập, Diễm vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội như dẫn chương trình cho CLB tiếng Anh của trung tâm Hoa Kỳ, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội; là tác giả của dự án “Tiết kiệm giấy vệ sinh và nước tại các tòa nhà lớn ở Hà Nội”, lọt vào vòng chung kết Ngày sáng tạo ViệtNam do Ngân hàng thế giới, Trung ương Đoàn TNCS HCM và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức năm 2010.
Sau khi tốt nghiệp ĐH, Diễm được nhận vào Quỹ Clinton Việt Nam. Đây là quỹ từ thiện cung cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nhi nhiễm HIV tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Cô thích thú với công việc này, trong thời gian tới, cô muốn kiếm một suất học bổng kinh tế ở Mỹ.
Nói về ước mơ, Diễm khẳng định: “Không ai đánh thuế ước mơ cả. Biết sống với ước mơ của mình và có quyết tâm thực hiện ước mơ đó”.
Kim Ngân