Custom Search
(Dân trí) - “Con mong muốn cuộc sống hạnh phúc nên con không ngừng học tập, làm việc và cống hiến để có một tương lai tốt đẹp. Và hạnh phúc chỉ trọn vẹn khi con được sống với người mình yêu - một mái ấm của hai người đàn ông. Vậy sao không được chấp nhận?”
Câu hỏi về ước mơ hạnh phúc của một bạn trẻ đồng tính tại tòa đàm “Giúp con sống thật” do Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cùng Nhóm kết nối và chia sẻ thông tin đồng tổ chức sáng 2/10 tại TPHCM đã làm những người tham dự xúc động đến bật khóc. Buổi tọa đàm có thể xem là một cuộc “hội ngộ” của những người trong cuộc. Một bên là người đồng tính và một bên là các bậc phụ huynh đang “chới với” khi phát hiện con mình đồng tính.

Nhiều nước mắt của những người trong cuộc tại buổi tọa đàm “Giúp con sống thật”
Đau khổ, suy sụp, thất vọng là tâm trạng chung của các ông bố bà mẹ khi biết con mình là người đồng tính. Nhiều phụ huynh tin rằng, đồng tính là căn bệnh của lối sống đua đòi, a dua… nên khi biết con mình bị “nhiễm” thì họ tìm mọi cách can thiệp vào cuộc sống của con như kiểm soát giờ giấc, không cho giao lưu với người cùng giới, đánh đập hoặc đưa con đi chữa bệnh.
Họ không ngừng nuôi hy vọng con mình sẽ “quay đầu lại”. Không thể chấp nhận sự thật, nhiều gia đình không tìm được lối thoát, phải sống chung với những bi kịch vô cùng đau lòng.

“Tất cả mọi thứ sinh ra trên cuộc đời đều là lẽ tự nhiên, chẳng có gì là trái tự nhiên hết. Chỉ khi mình không được sống thật, phải gồng lên tạo cho mình những “bỏ bọc” bên ngoài khác mới là điều trái tự nhiên” (L.Q.H, thành viên nhóm kết nối và chia sẻ thông tin)
Nhìn thấy suy nghĩ của bố mẹ mình trong tâm tư của các bậc phụ huynh tham gia buổi tọa đàm, các bạn đồng tính trong Nhóm kết nối và chia sẻ thông tin ICS cũng bộc bạch nỗi lòng của mình. Trong số họ, không ít người cũng đang đau khổ “đấu tranh” với  người thân để được sống thật với con người mình.
Với họ, đối mặt với gia đình là khó khăn nhất. Nhiều ông bố bà mẹ có thể thông cảm với người khác nhưng lại không chấp nhận, thông cảm nếu con mình đồng tính.
 
Các bạn hiểu những phản ứng của bố mẹ đều vì thương con, cố gắng để con có cuộc sống như mọi người nhưng “Có khi yêu thương lại trở thành một gánh nặng. Bố mẹ có mong muốn đến mấy thì cũng không thay đổi được sự thật. Bắt con phải sống giả dối sao có thể vui, sao có thể hạnh phúc?”, lời một đồng tính nam.
“Con cũng đã làm mọi cách như viết thư tâm sự với mẹ, nhắn mẹ đến dự các hội thảo về đồng tính… nhưng mẹ không chấp nhận được sự thật. Con muốn có một gia đình cùng với một người đàn ông và chúng con có thể sống với bố mẹ vì con cũng học tập, làm việc như bao người và cũng vô cùng thương bố mẹ. Nhưng có lẽ con sẽ phải ra ngoài sống cuộc sống của mình vì bố mẹ đang đẩy con ra”. Đ.K (ĐH Sư phạm TPHCM) chia sẻ.
Sau những lời chia sẻ tận đáy lòng của người đồng tính, nhiều phụ huynh đã bật khóc. Họ đã thấy phần nào trong tâm tư đó là nỗi khổ của chính con mình. Tiếc rằng, trong đó không có mẹ của Đ.K: “Em có mời mẹ đến buổi tòa đàm này nhưng mẹ đã không đến”.
Thạc sĩ Lê Quang Bình (Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường) khẳng định đồng tính không phải là bệnh, vì thế không thể chữa và cũng không cần phải chữa. Năm 1990, tổ chức Y tế thế giới cũng loại bỏ đồng tính ra khỏi danh sách bệnh. Đây cũng không phải là tệ nạn, đua đòi hay liên quan đến vấn đề đạo đức như nhiều người trong xã hội quan niệm.
“Xu hướng tình dục đồng tính luyến ái là bình thường, là một phần đa dạng của tính dục. Đây không phải là “lỗi” của bố mẹ, cũng không phải là lựa chọn của con bởi không ai tự quyết được xu hướng tính dục của mình”, ông Bình nhấn mạnh.
Hoài Nam