Custom Search
(Dân trí) - Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Nga về nhập khẩu vũ khí và năng lượng đã giảm dần và do đó vị thế của Mátxcơva khi đàm phán với Bắc Kinh cũng giảm, một tổ chức nghiên cứu chính sách của Thuỵ Điển cho hay.



Một binh sĩ Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh.
“Sự phụ thuộc giảm dần vào xuất khẩu vũ khí của Nga và sự gia tăng các nhà cung cấp năng lượng thay thế đã giúpTrung Quốc có vị thế cao hơn trong mối quan hệ”, Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết trong một tuyên bố được đưa ra hôm nay.
Báo cáo cho hay nguyên nhân của sự thay đổi là Trung Quốc “ngày nay chủ yếu quan tâm tới việc tìm kiếm công nghệ nhằm phát triển ngành công nghiệp vũ khí của riêng mình” và vì thế nhu cầu về vũ khí do Nga chế tạo đã bớt dần.

Mátxcơva đã thể hiện thái độ "không mặn mà" trong việc bán các hệ thống tinh vi nhất cho Bắc Kinh, vì lo ngại rằng Trung Quốc sẽ sao chép công nghệ và sau đó xuất khẩu sản phẩm của riêng mình.


“Bản chất của mối quan hệ chuyển giao vũ khí này sẽ ngày càng thể hiện tính cạnh tranh hơn là hợp tác”, Paul Holtom, người đứng đầu chương trình chuyển giao vũ khí của SIPRI, nhận định.
Vị thế của Trung Quốc ngày càng được củng cố bởi nhu cầu của Bắc Kinh về dầu thô từ Nga đã giảm trong 5 năm qua, theo SIPRI.
“Nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc là Ả-rập Xê-út, sau đó là Angola, Iran và Oman”, SIPRI cho biết.
“Trong lĩnh vực khí đốt, vị thế đàm phán của Nga đã bị suy giảm nghiêm trọng vì Trung Quốc đã thành công trong việc tìm kiếm các đối tác mới, đặc biệt là tại Trung Á”.
Mặc dù hai đồng minh cũ thời Chiến tranh Lạnh thường được xem là đối tác trên trường quốc tế, đặc biệt là khi phản đối các nỗ lực của phương Tây nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt lên một số quốc gia, nhưng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nga còn hạn chế.
SIPRI, được thành lập năm 1966, là một trung tâm nghiên cứu chính sách độc lập, với 50% kinh phí hoạt động do nhà nước Thuỵ Điển tài trợ.
An BìnhTheo AFP