Custom Search
“Tao ngố quá mày ơi!”, “Tại sao giá lúc đầu với thanh toán lại khác nhau thế?” là những gì mà nhiều SV rền rĩ và đau khổ sau khi mang điện thoại đi dán. Các bạn đâu có ngờ, để “mặc áo” cho chiếc “dế cưng” của mình, cái giá phải trả lại đắt đến thế!
250k = một miếng dán bóng kính!

Dán điện thoại, laptop từ lâu đã trở thành một nghề “sống được” và “kiếm được” của một bộ phận dân chúng. Từ các chợ lớn đến các chợ nhỏ lẻ sinh viên, từ các vỉa hè đường phố đến cổng trường, công viên… ở đâu chúng ta cũng hoàn toàn có thể tìm thấy một sạp hàng nhỏ làm công việc này.

Có thể là một người ngồi một chỗ riêng lẻ, có thể là một “phường hội” làm ăn tập thể, không có hoặc có mà ỉm đi khái niệm “cạnh tranh”. Cái duy nhất mà người ta quan tâm tới là có bao nhiêu khách và “chém” được bao nhiêu khách?
   
Vũ Thị Thu Hà, SV ĐH Ngoại thương, “một khách hàng già đời trong việc dán điện thoại, giá cả thuộc làu như lòng bàn tay”, kể đi kể lại trong trạng thái bức xúc và phẫn nộ về một lần đi dán điện thoại: “Mình vừa tới, người ta đã hỏi ngay điện thoại đâu, dán đi. Lúc ấy vừa mệt vừa đói, mình đưa cho họ và không thỏa thuận giá trước. Đến lúc thanh toán, họ hét giá 250k cho một miếng bóng kính mặt điện thoại. Cái loại ấy chỉ 20k là hết phanh”.

Không chấp nhận giá ấy, hai bên đôi co với nhau một hồi, cuối cùng thì bạn cũng phải móc hết số tiền trong ví là 230k để trả cho chủ hàng, mà vẫn phải nghe lời thách thức: “Hôm nay là anh quá nhân nhượng với cô em rồi đấy, nếu không thì…”. Quay lại nhìn, bạn thấy những người dán điện thoại xung quanh đang chằm chặp ánh nhìn đáp vào bạn, và cô nàng chỉ còn biết rút lui trong ấm ức.
 
Những hoạ tiết làm cho chiếc điện thoại có thêm điểm nhấn hút hồn giới trẻ 
 
Ấy là trường hợp được chỉ lỗi: không thỏa thuận trước, và cay đắng trả tiền cho cái sai lầm của mình. Nhưng, có những bạn, thỏa thuận rồi mà vẫn bị “dụ đẹp” như trường hợp của Lê Thị Uyên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Trước khi “mặc áo” cho dế yêu, cô nàng đã xác định rõ ràng giá cả với người dán điện thoại là 20k, nhưng đến lúc thanh toán, cái giá phải trả chênh lệch đến 100k. Cô bàng hoàng không hiểu tại sao thì anh ta giải thích rất ngọn ngành, rằng phần thân điện thoại nhỏ nhưng là cắt nguyên miếng dán khác để dán nên cũng phải tính tiền, rằng anh đã bọc cho em 2 lớp để đẹp và không bong… Cô bé chỉ còn biết ngậm ngùi: “Cái điện thoại đó bây giờ bán đi chả được là bao, tự dưng mất toi 120k. Thà rằng không dán gì cả”.
 
Đi tìm giá trị thực

Theo chân một người có sở thích và thâm niên trong việc “mặc áo” cho “dế yêu”, chúng tôi gặp anh Hảo, một người gắn bó với nghề 7 năm, đã làm nghề ở Nghệ An, Nha Trang và bây giờ tại một trường đại học ở Hà Nội.

Anh chia sẻ: Dán bóng kính cho cả chiếc điên thoại chỉ 20k, nếu là dán loại giấy hoa lá, hình tiết độc đáo thì cũng chỉ 50k. Như thế là đã bảo đảm có lãi rồi, vì thời gian dán một chiếc điện thoại không nhiều, chỉ 5 phút thôi.

Khi được hỏi về những trò “ma thuật thổi giá” tại một chợ sinh viên mà những người bạn trên đã gặp, anh chàng tỏ ra không bất ngờ: “Đơn giản thôi, tiêu chí làm việc của họ là vạn người đến một lần hơn là một người đến vạn lần. Họ không có khái niệm khách quen, mà khách của họ là “khách một lần”, nên việc bị “chặt giá” là dễ hiểu”.

Cần tỉnh táo để không bị ăn quả lừa.

Đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Phải làm sao để sinh viên không bị bóp giá oan uổng như trên, rất nhiều bạn đã đưa ra những giải pháp được cho là “đã thử nhiều lần và thành công”.

Đỗ Thị Việt, SV ĐHSP cho rằng: Các bạn hãy thẳng thắn giá cả ngay từ ban đầu, trong quá trình dán, họ có thể sẽ khuyên mình dán thêm phần này phần kia. Tuyệt đối không chấp nhận, vì giá cả sẽ tăng lên rất nhiều từ những cái thêm đó mà mình không thể làm chủ được hay tranh cãi lại với họ được.

Vũ Thị Thu Hà, nạn nhân của 250k thì cho rằng: Bài học để đời là mình nên tạo sự thân quen ở một cửa hàng nào đó, nhưng phải chắc chắn rằng người ta làm việc có uy tín một chút và không mang tính chất lợi nhuận là hàng đầu.

Có một vài nơi nhỏ lẻ làm việc tốt như trong KTX ĐH SKĐA Hà Nội, anh chủ hàng làm việc khá hay, các bạn có thể tham khảo. Ngoài ra, theo những gì mình biết, thì cung cách làm việc của mấy người trong chợ sinh viên thật sợ quá!

Theo Chiêm Khổng
Vietnamnet